Cơ hội cho thanh long an toàn

Ngày Đăng: 03/07/2023

Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư với Cty CP Nafoods Group về phát triển vùng nguyên liệu thanh long đỏ và trắng an toàn hữu cơ, phục vụ xuất khẩu quả tươi và chế biến. Đây là cơ hội rất tốt cho nông dân sản xuất thanh long an toàn.

Bấp bênh VietGAP

Bình Thuận là thủ phủ SX thanh long của cả nước, với diện tích lên đến gần 30.000 ha. Những năm qua ngành nông nghiệp tỉnh đã quan tâm, định hướng cho nông dân sản xuất thanh long theo hướng VietGAP, nhằm truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), đáp ứng xuất khẩu cho các thị trường.

SX thanh long an toàn giúp nông dân tiêu thụ bền vững (Ảnh: TTXVN)

Thế nhưng, một thực tế lâu nay thanh long Bình Thuận đa phần xuất sang thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, chưa thực sự chú trọng vấn đề ATTP, chất lượng trái, cũng như giá bán ra không có gì chênh lệch giữa thanh long VietGAP với thanh long thông thường. Trong khi đó, chi phí đầu tư SX thanh long VietGAP tăng cao, tốn nhiều công sức chăm sóc.

Chị Huỳnh Thị Tuyết Hương ở thôn Tiến Hưng, xã Tiến Lợi (TP Phan Thiết) bộc bạch: Gia đình tôi có 1.200 trụ thanh long. Gần 10 năm trước được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Nhưng chỉ sau 2 năm, gia đình đã bỏ VietGAP. Nguyên nhân do SX theo tiêu chuẩn này không mang lại lợi ích gì bởi không có đầu ra. Trong khi chi phí đầu tư SX tăng từ 10-15% nhưng giá bán thanh long VietGAP cũng như thanh long thông thường, lại bắt buộc thực hiện ghi chép nhật ký SX nên rất cực nhọc.

Vấn đề trên cũng được Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long đánh giá nhìn nhận, sau 10 năm triển khai VietGAP đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có DN nào chuyên thu mua sản phẩm làm theo VietGAP. Nhiều diện tích SX thanh long an toàn nhưng chưa gắn kết được với thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, giá cả chưa có sự khác biệt nên chưa khuyến khích người trồng.

Các DN chưa quan tâm nhiều đến việc thu mua sản phẩm an toàn VietGAP, dẫn đến tư tưởng còn chủ quan, xem nhẹ SX theo hướng an toàn. Việc liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ SX VietGAP để tiêu thụ sản phẩm còn quá ít, chưa được quan tâm triển khai quyết liệt. 

Do đó đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận chỉ có hơn 10.000 ha đạt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, so với tổng diện tích thanh long hiện có thì còn khá khiêm tốn.  

Mở ra cơ hội

Ông Phan Văn Tấn, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, việc SX thanh long theo hướng an toàn (VietGAP, GlobalGAP) và xu thế sắp tới là SX hữu cơ sẽ giúp sản phẩm tiêu thụ một vững bền vững. Đây không chỉ người sản xuất cần chú trọng mà ngay cả các DN xuất khẩu cũng phải có trách nhiệm chung tay. Bởi các thị trường tiêu thụ nông sản hiện nay, kể cả Trung Quốc ngày càng đòi hỏi sản phẩm có chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

Theo đó, từ 1/10/2019, sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có chứng nhận ATTP do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho từng lô hàng. Do đó, ngay từ bây giờ nông dân trồng thanh long cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, cấp mã số và vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP để đáp ứng tiêu chuẩn mà thị trường này đặt ra.

Cũng theo ông Tấn, về phía tỉnh cũng như ngành NN-PTNT Bình Thuận những năm qua rất quan tâm, định hướng cho nông dân SX thanh long theo hướng VietGAP, nhằm truy xuất nguồn gốc, đảm bảo ATTP để đáp ứng xuất khẩu cho các thị trường. Tỉnh cũng luôn kêu gọi các nhà đầu tư, liên kết với nông dân theo chuỗi SX – chế biến – tiêu thụ để phát triển thanh long.

Và, mới đây là nội dung thỏa thuận ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai và ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Cty CP Nafoods Group, để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cây thanh long an toàn, hữu cơ tại tỉnh Bình Thuận theo chuỗi giá trị, với quy mô diện tích tối thiểu 10.000 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến 2.000 tỷ đồng, trong thời gian từ năm 2019 – 2023. 

Về phía tỉnh sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho Cty liên kết SX và tiêu thụ thanh long với các tổ hợp tác, hợp tác xã với diện tích khoảng 10.000 ha. Đồng thời giám sát việc thực thi các cam kết 2 chiều giữa DN và các hộ trồng nguyên liệu và ngược lại. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển vùng trồng bền vững…

Về phía Cty sẽ có trách nhiệm cung ứng giống, phân bón, thuốc BVTV, tư vấn kỹ thuật; giới thiệu tư vấn cấp chứng chỉ an toàn và hữu cơ đối với các sản phẩm được tạo ra từ vùng quy hoạch nguyên liệu trong chuỗi giá trị sản phẩm mà Cty thực hiện. Nafoods Group sẽ tổ chức huấn luyện, đào tạo cho bà con nông dân theo mô hình “cung cấp giống tốt, kỹ thuật viên hỗ trợ”, bao tiêu sản phẩm đầu ra giá ổn định, hợp lý. 

Mặt khác, Cty cam kết áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và cạnh tranh. Sau khi phát triển và ổn định vùng nguyên liệu thanh long, DN sẽ đầu tư và xây dựng cơ sở chế biến các sản phẩm từ thanh long trên địa bàn tỉnh…

Theo KIM SƠ – KIỀU HẰNG – Báo Nông Nghiệp