Công ty cổ phần Bình Điền – Lâm Đồng với thương hiệu “Đầu Trâu” – là bạn đồng hành của nhà nông, luôn đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và cung ứng ra thị trường những dòng sản phẩm phân bón mới chuyên dùng cho từng loại cây trồng, các chế phẩm sinh học, các hoạt chất mới,… bổ sung vào trong sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả của phân bón, đồng thời tăng cường sức đề kháng, hạn chế sâu bệnh hại cây trồng. Qua quá trình phối hợp với các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu thực tế trên vườn cây, đất đai thổ nhưỡng ở Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung, Phòng kỹ thuật của Công ty phát hiện ra một số nguyên nhân khiến cho cây trồng bị suy yếu, sụt giảm năng suất, trong đó có nguyên nhân do tuyến trùng tấn công gây nên. Tuyến trùng ký sinh thực vật đang tấn công và làm hại cây trồng rất nghiêm trọng trên diện rộng với nhiều đối tượng cây trồng khác nhau. Do đó, việc nghiên cứu, phát hiện tuyến trùng gây hại sớm nhằm cứu sống các vườn cây đang là vấn đề cấp thiết và cần được đẩy mạnh.
* Một số biểu hiện nhận biết cây trồng và vùng đất có tuyến trùng:
Biểu hiện ban đầu của cây như sau: cây héo úa, còi cọc, thiếu sức sống, ở đầu rễ tơ bị u sưng, nếu bị nặng thì rễ u sưng có kích thước lớn hoặc bị thối nặng.
Vì tuyến trùng cản trở sự hút nước và chất dinh dưỡng của cây nên một số trường hợp ta sẽ thấy lá bị xoắn, vàng lá, rụng lá sớm, chết mầm. Điều quan trọng là các biểu hiện này không đồng đều trên toàn vườn vì mật số tuyến trùng không phân bố đều.
Tuyến trùng thường không gây chết cây ngay nhưng làm cho cây trồng không thể phát triển bình thường, ngày càng bị suy kiệt, thiếu sức sống. Bên cạnh đó, chúng tạo ra các vết thương trên rễ cây “mở đường” cho các vi sinh vật có hại khác xâm nhập dễ dàng hơn, khả năng cây bị nhiễm các loại nấm bệnh khác nhanh hơn. Ngoài ra, tuyến trùng còn có thể truyền một số loại virus gây bệnh cho cây.
* Cà phê là cây trồng chủ lực ở Tây Nguyên thì những dấu hiệu nhận biết triệu chứng bệnh khi xuất hiện như sau:
– Đối với cà phê kiến thiết cơ bản:
Triệu chứng là cây bị chùn ngọn, vàng lá, cây bị nghiêng và dễ nhổ lên bằng tay. Bộ rễ tơ gần mặt đất phát triển mạnh, ở đầu rễ tơ bị u sưng hoặc thối từng đoạn. Trường hợp bị nặng thì rễ cọc và rễ ngang có thể u sưng có kích thước lớn hoặc bị thối nặng.
– Đối với cà phê kinh doanh:
Triệu chứng thể hiện rõ là cây phát triển kém, chùn đọt, vàng lá, rễ tơ bị thối đen từ chóp rễ vào, có nhiều cây rễ bị u sưng thành từng cục. Đối với những cây bị nhiễm tuyến trùng nặng, rễ lớn cũng bị thối từ lớp vỏ ngoài vào, cây không hấp thu được dinh dưỡng và chết.
Sau một thời gian dài tìm hiểu và nghiên cứu Phòng kỹ thuật công ty cổ phần Bình Điền – Lâm Đồng đã phân lập, tuyển chọn được một số chủng vi sinh vật phòng trừ tuyến trùng rất có hiệu quả, trong đó nổi bật nhất là chủng nấm tím Paecilomyces sp. Nấm tím Paecilomyces sp khuẩn lạc đường kính khoảng 5 – 7cm trong 14 ngày ủ ở nhiệt độ phòng 270C. Nuôi cấy ban đầu sẽ có màu trắng sau đó dần chuyển sang màu tím hồng khi sinh bào tử. Khuẩn lạc có thể ở dạng thảm nhung, dạng bó sợi, có màu trắng, hồng nhạt, màu tím đinh hương (nên được gọi là nấm tím). Cuống bào tử phân nhánh, gốc cuống dạng bình phình to, phía trên nhỏ và uốn cong. Cuống bình thường sắp xếp dàng vòng hoặc không đồng đều. Bào tử phân sinh đơn bào, không màu, mọc thành chuỗi, hình bầu dục, bề mặt nhẵn hoặc có gai.Tuyến trùng rễ gây hại trên cây cà phê ở tất cả các loại tuổi khi xuất hiện trong môi trường đất, Tuy nhiên, xuất hiện nhiều nhất ở những vườn cà phê già cỗi được tái canh. Thông thường bệnh thường xuất hiện mạnh khoảng từ năm thứ 3 sau khi trồng. Ở các vừơn cà phê đã bị bệnh, việc xáo xới, vét bồn tưới cà phê có thể làm đứt rễ, tạo điều kiện cho một số loại nấm bệnh khác phát triển vì tạo vết thương cho rễ. Ở những khu vực trồng cà phê có độ dốc cao trong điều kiện thời tiết mưa nhiều dài ngày dễ tạo điều kiện cho tuyến trùng di chuyển, lan rộng.
Dựa trên cơ chế ký sinh và tạo ra hoạt chất sinh học của các dòng nấm Paecilomyces sp, công ty chúng tôi sử dụng nguồn nấm Paecilomyces sp để đánh giá khả năng nở trứng và gây chết đối với tuyến trùng Meloidogyne Incognita được thu thập trên cây cà phê và trên một số vùng đất trồng cây rau và cây ăn trái khác. Kết quả ghi nhận quá trình thử nghiệm đánh giá khả quan. Chủng nấm tím Paecilomyces sp mà Phòng kỹ thuật của công ty phân lập được có tác dụng ức chế sự nở trứng và gây chết đối với tuyến trùng.
Từ các nghiên cứu và thử nghiệm thành công chủng nấm tím Paecilomyces sp, công ty cổ phần Bình Điền – Lâm Đồng đã đưa chủng giống vi sinh này vào sản xuất đại trà và bổ sung vào các dòng sản phẩm hữu cơ vi sinh của Công ty – “Tăng cường chủng nấm tím Paecilomyces sp hạn chế tuyến trùng”.
Dưới đây là một số khuyến cáo giúp phòng trừ hiệu quả tuyến trùng trong đất gây hại đối với cây trồng:
– Không nên xới đất vườn trong mùa mưa, không để vườn bị đọng nước bằng cách đánh rãnh thoát nước để khi mưa nước thoát nhanh vườn không bị ngập úng cũng như không chảy tràn cả vườn dễ lây lan bệnh.
– Bón phân cân đối, đầy đủ Đạm, Lân, Kali và các Trung vi lượng.
– Khi vườn đã nhiễm bệnh thì hạn chế việc bón các loại phân bón Hóa học.
– Tăng cường bón các loại phân Hữu cơ truyền thống khi đã ủ hoai mục và các loại phân Hữu cơ vi sinh cho cây đặc biệt là các loại phân Hữu cơ vi sinh có bổ sung các chủng vi sinh vật đối kháng tốt như: Trichoderma sp, Paecilomyces sp…. để phòng trừ và kiểm soát hiệu quả tuyến trùng và một số nấm bệnh hại rễ cây.
– Cần thường xuyên kiểm tra vườn cây nhằm phát hiện sớm và có các biện pháp xử lý kịp thời nhằm kiểm soát hiệu quả tránh lây lan và bùng phát.
PHÒNG KỸ THUẬT