CHĂM SÓC CÂY CÀ PHÊ GIAI ĐOẠN MÙA KHÔ

Ngày Đăng: 25/12/2024

   Mùa khô ở Tây Nguyên thường kéo dài (từ tháng 11 đến giữa tháng 4 dương lịch năm sau) và khốc liệt (đầu mùa khô thường hay có gió hanh lạnh, mưa trái mùa; giữa và cuối mùa khô nắng hạn, gió lốc,…) có tác động rất lớn đến cây trồng. Đây cũng là giai đoạn cây cà phê phục hồi sau thu hoạch, phân hóa mầm hoa, nở hoa và đậu quả, hình thành quả đầu đinh,… Chính vì vậy, giai đoạn này rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng của cà phê; để cà phê sinh trưởng khỏe, phát triển tốt, đạt hiệu quả cao bà con nông dân cần thực hiện đồng bộ các thực hành canh tác tốt (quản lý thảm cỏ, đảm bảo cây che bóng đai cản gió, cân bằng hệ vi sinh, tạo hình hiệu quả, tưới nước hợp lý, bón phân cân đối,…). Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và phức tạp thì chăm sóc cà phê mùa khô càng quan trọng và khó khăn hơn. Đồng thời cà phê đang trong chu kỳ giá rất tốt thì việc cải thiện năng suất chất lượng có ý nghĩa thực tế và hiệu quả kinh tế cao, được nhà nông đặc biệt quan tâm. Dưới đây là một số lưu ý thực hành cốt lõi cho vườn cà phê trong mùa khô:

  1. Cắt cành sau thu hoạch, bổ sung tán cho cây cà phê

   Việc cắt cành cần thực hiện ngay khi thu hoạch xong để kịp thời loại bỏ các cành vô hiệu, giúp cho cây cà phê tấp trung dinh dưỡng nuôi cành hữu hiệu, phân hóa mầm hoa tốt hơn, nở hoa đậu quả đảm bảo, hình thành đầu đinh tốt hơn từ đó năng suất và chất lượng cà phê sau này đạt hơn. Cắt cành muộn sẽ làm cho cây cà phê bị suy yếu do bộ tán xảy ra sự cạnh tranh nước, dinh dưỡng và lưu tồn mầm mống sâu bệnh hại. Các cành vô hiệu cần cắt tia bao gồm: cành sâu bệnh, cành đỉnh tán, cành tổ quạ, cành mọc ngược, cành vòi voi, cành la đà, cành khô chết,… Việc cắt cành nên thực hiện từ trên đỉnh tán xuống phía dưới, từ trong ra ngoài, cắt tỉa dần dần.

   Ngoài ra, thời điểm này cũng cần bắt đầu bổ sung bộ tán của các cây cà phê bị khuyết tán và bấm ngọn cho các cây cà phê trồng dặm đang kiến thiết cơ bản đã đạt chiều cao hãm ngọn.

                                                                      Cắt tỉa cành sau khi thu hoạch                                                   Hãm ngọn cây kiến thiết cơ bản

   Trong sản xuất hiện nay, nhiều nông dân trong vùng sản xuất tái sinh cảnh quan bền vững, đã và đang áp dụng kỹ thuật tạo hình bàn tay với bướu sinh cành do TS. Phạm Công Trí và cộng sự phát triển, thúc đẩy áp dụng đem lại hiệu quả cao và có triển vọng lan tỏa nhân rộng rất lớn.

   Bướu sinh cành hình thành những cành thứ cấp (cấp 2, cấp 3) khỏe mạnh, ra hoa kết quả tốt. Cành mọc từ bướu hình thành góc nghiêng, giúp cho bộ tán thông thoáng, ổn định. Các cành này có tính lưỡng hình cao, thúc đẩy phát sinh rễ mạnh.

      2. Tưới nước đúng thời điểm, đủ lượng nước

   Sau khi thu hoạch, đầu mùa khô là giai đoạn cà phê hạn sinh phân hóa mầm hoa cho vụ tới nếu không xiết nước tạo hạn sinh được (tưới sớm, mưa trái mùa) thì có thể ảnh hưởng xấu đến việc phân hóa mầm hoa, ra hoa đậu quả và sản lượng của vụ tới. Ở đợt tưới đầu tiên (sau khi xiết nước), việc tưới đúng thời điểm và đủ nước là rất quan trọng để cây cà phê nở hoa đồng loạt, đậu quả tốt.

   Xác định đúng thời điểm tưới nước lần đầu cho vườn cà phê vô cùng quan trọng, là nền tảng có ý nghĩa quyết định đến tỷ lệ hoa nở, năng suất cũng như thời vụ thu hoạch sau này. Tưới nước lần đầu cho vườn cà phê đúng thời điểm, lượng nước đầy đủ thì tỷ lệ hoa nở đạt tới 80-90%. Do vậy, quả sẽ chín khá tập trung, thuận lợi cho việc tổ chức thu hái và quản lý chất lượng cà phê nhân, năng suất thu hoạch cũng cao hơn.

   Nếu tưới lần đầu sớm, cây cà phê đang sinh trưởng tốt, cành lá xum xuê, chưa đảm bảo đủ thời gian “hạn sinh phân hóa mầm hoa”, thì tỷ lệ phân hóa mầm hoa sẽ thấp, nụ hoa non (nụ còn ở dạng mỏ sẻ) thì nở hoa không tập trung, đậu quả kém. Nếu tưới muộn thì hoa bị hư hỏng (hoa chanh) không nở và đậu quả được nữa, sẽ gây mất mùa.

   Có thể dùng máy đo độ ẩm để xác định chính xác thời điểm tưới nước lần đầu, trong hướng dẫn sử dụng máy sẽ có thang tham chiếu ẩm để tiến hành tưới nước hợp lý (Thời điểm tưới nước lần đầu phù hợp nhất cho vườn cà phê khi độ ẩm đất đạt từ 26-27 %).

   Khi không có máy đo ẩm độ đất thì nông dân áp dụng phương pháp quan sát để xác định thời điểm tưới lần đầu đúng cho vườn cà phê, đó là quan sát thực tế thấy hoa cà phê đã phân hóa đầy đủ (mỏ sẻ), hoa có màu trắng sữa hoặc trắng ngà và chiều dài hoa đạt từ 1-1,5 cm, lá hơi héo và rũ nhẹ vào ban ngày.

   Lượng nước tưới lần đầu cho cà phê đối với phương pháp tưới dí trực tiếp vào hố/bồn, ở vườn có bóng che thảm phủ đảm bảo là từ 350-450 lít/bồn, ở vườn có bóng che thảm phủ đảm bảo là từ 500-550 lít/bồn, tưới phun mưa khoảng 600-650 m3/ha, tưới tiết kiệm (tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa tại gốc) lượng nước từ 200-350 lít/cây. Tưới nước lần đầu không bón các loại phân vô cơ, để tăng độ phì đất và cải thiện hệ vi sinh vật đất và bộ rễ chỉ nên bón phân hữu cơ hoai hoặc phân hữu cơ vi sinh.

  1. Bổ sung dinh dưỡng

   Sau thời gian dài nuôi quả suốt vụ, cây cà phê đã sử dụng một lượng lớn dinh dưỡng từ đất. Đặc biệt là thời kỳ cuối mùa mưa đầu mùa khô, cây cà phê đã hút rất nhiều dinh dưỡng từ đất để nuôi quả vào chắc, tiếp đến là nuôi cành phân hóa mầm hoa và nở hoa đậu quả, nuôi đầu đinh non; nhưng vì cuối mùa mưa đến đợt tưới đầu không thể bón phân khoáng, đã làm cho dinh dưỡng trong đất giảm mạnh, một số vườn giảm xuống đến mức suy kiệt. Vì vậy, khi tưới đợt 2 chúng ta cần bổ sung dinh dưỡng kịp thời và hợp lý để cải thiện độ phì đất bằng phân bón BLC NPK+TE mùa khô (22-6-4, 20-5-5,21-3-5, 21-4-4); để giúp cho vườn cà phê phục hồi nhanh, sinh trưởng, phát triển khỏe và chống chịu tốt; tạo tiền đề để sau này đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.

   Theo các nghiên cứu cơ bản về phân bón, nghiên cứu chuyên sâu về dinh dưỡng cà phê và khuyến cáo của các nhà khoa học, thì trong giai đoạn mùa khô này quan trọng nhất vẫn là các yếu tố dinh dưỡng đa lượng, với tỷ lệ cân đối hợp lý. Đạm (N) giúp cà phê phục hồi, ra hoa đậu quả tốt, vì đạm là yếu tố thiết yếu cho sinh trưởng và hình thành sinh khối, nếu thiếu đạm thì cây sẽ ít lá, vàng lá, cành trơ trọi, hoa èo uột,… ảnh hưởng đến sức khỏe cây, năng suất và chất lượng. Lân (P) cần hàm lượng vừa phải để kích thích và củng cố bộ rễ tích lũy năng lượng, thúc đẩy phân hóa mầm hoa, tăng số hoa, nở hoa đồng đều, thụ phấn tốt; thiếu hay thừa lân đều gây tác hại rõ rệt. Kali (K) rất cần thiết để tích lũy đường bột, tăng tỉ lệ ra hoa đậu trái, tăng sức chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất lợi.

   Tiếp đến là các yếu tố trung lượng như: lưu huỳnh (S), Canxi (Ca), Magiê (Mg) và Silíc (Si). Thiếu lưu huỳnh (S) lá non mỏng, giòn, chuyển vàng… suy giảm hoặc mất đi chức năng sinh lý. Thiếu Magiê (Mg), Canxi (Ca) và Silíc (Si) thì lá quang hợp và chống chịu kém, rất dễ bị gãy cành, cây suy yếu, rụng quả, năng suất thấp. Nếu dư thừa các trung lượng thì chức năng sinh lý của cây cũng bị rối loạn, gây hại đến sinh trưởng phát triển, năng suất và chất lượng cà phê.

   Cuối cùng, nhưng cũng rất thiết yếu các nguyên tố vi lượng như: Kẽm (Zn), Bo (B), Sắt (Fe), Đồng (Cu), Mangan (Mn), Molypđen (Mo), Clo (Cl),… là thành tố của các dưỡng chất, chất điều hòa sinh trưởng, enzym,… cần thiết cho đời sống và sự ra hoa đậu quả, hạn chế rụng lá, ra rễ,… của cà phê nói chung và sinh trưởng phát triển trong mùa khô nói riêng. Các vi lượng cây hút ít, nhưng vai trò và tác động rất lớn; nên nếu thừa, thiếu, mất cân đối đều có ảnh hưởng to lớn.

   Ngoài ra các chất dinh dưỡng vô cơ cần thiết đều được cây sử dụng và đất tích lũy tối ưu khi hàm lượng hữu cơ trong đất đảm bảo. Hữu cơ vi sinh nâng cao độ phì đất, đặc biệt là giúp đất giữ nước, giữ độ ẩm, tăng thoáng khí; giúp cây khỏe rễ, hút dưỡng chất tốt, chống chịu với điều kiện thời tiết khô hạn, khắc phục sự cố trong giai đoạn mùa khô tốt hơn.

   Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết Tây nguyên ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong giai đoạn mùa khô. Do đó, việc lựa chọn và bón phân 4 đúng (đúng loại phân, đúng lượng, đúng lúc và đúng cách) cho cây cà phê và cho cây cà phê trong mùa khô đóng vai trò rất quan trọng, có ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình sản xuất và chăm sóc cà phê. Trong thực tế, nhiều nông dân thường bón phân đơn, phân đơn sinh lý chua, thậm chí chỉ bón đạm Urea hay Sunphát Amôn (SA) trong mùa khô dẫn đến mất cân đối đa lượng và thiếu hụt trung vi lượng trầm trọng; có thể tác hại đến độ phì đất, sinh trưởng phát triển của cây, giảm năng suất và tăng phát thải khí nhà kính.

   Tín hiệu đáng mừng là cùng với việc nỗ lực tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, được tập huấn nâng cao năng lực,… thì nông dân đã biết và sử dụng các phân khoáng chuyên dùng cho cà phê mùa khô để bổ sung đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cà phê, phù hợp đặc điểm của đất đai và khí hậu thời tiết. Ở các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ,… phần lớn bà con nông dân đã quen và tin dùng các các sản phẩm BLC NPK+TE chuyên dùng cho cà phê mùa khô của công ty cổ phần Bình Điền – Lâm Đồng như: BLC NPK 21-4-4+TE; BLC NPK 21-3-5-10S+TE; BLC NPK 20-5-5-10S+TE; BLC NPK 22-6-4-13S+TE. Với khả năng tan nhanh (độ tan đến 99%), có hàm lượng đa lượng phù hợp (Đạm cao, Lân và Kali vừa phải), đặc biệt bổ sung đầy đủ các chất trung vi lượng cần thiết và tối ưu nên rất thích hợp với việc bón phân kết hợp tưới nước cho cây cà phê trong mùa khô; cung cấp giải pháp sinh dưỡng tối ưu và khắc phục được các nhược điểm của việc bón phân đơn (Urea, SA,…) hay các loại phân không phù hợp khác.

    

Hình ảnh bao bì các sản phẩm phân bón NPK mùa khô dạng hạt nhỏ

của Công ty cổ phần Bình Điền – Lâm Đồng

   Bà con bón lần đầu (kết hợp tưới nước lần 2) sử dụng các sản phẩm phân bón NPK+TE chuyên dùng mùa khô của Bình Điền – Lâm Đồng với lượng bón từ: 200-400 kg/ha/lần bón. Trường hợp vườn năng suất cao, cần thúc đẩy sinh trưởng của vườn cây, cải thiện độ phì đất thì bón thêm đợt 2 mùa khô (kết hợp tưới nước lần thứ 3) với lượng bón từ: 150-300 kg/ha/lần bón.

Hình ảnh bao bì các sản phẩm phân bón NPK mùa khô dạng bột

của Công ty cổ phần Bình Điền – Lâm Đồng

   Trong thực hành canh tác tốt (giữ thảm cỏ, bổ sung cây che bóng, sử dụng vi sinh BLC 11,.. ) để tăng độ phì của đất, cải thiện bộ rễ cây, đối kháng nấm bệnh, tăng hiệu quả sử dụng phân vô cơ… khi tưới nước đợt đầu nên kết hợp bón phân hữu cơ của Bình Điền – Lâm Đồng với lượng bón từ 1-2 kg/cây. Bổ sung hữu cơ mùa khô sẽ giúp cây cà phê hút nước, giữ ẩm, chống chịu tốt hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu khắc nghiệt trong mùa khô.

 BÓN PHÂN ĐẦU TRÂU, ĐƯỢC MÙA DÀI LÂU!