Phòng kỹ thuật – Công ty cổ phần Bình Điền Lâm Đồng
Công ty cổ phần Bình Điền – Lâm Đồng với thương hiệu “Đầu Trâu” và ký hiệu nhận diện BLC– Là bạn đồng hành của nhà nông, luôn đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và cung ứng ra thị trường những dòng sản phẩm phân bón mới hiệu quả, cả đa dụng và chuyên dùng cho từng loại cây trồng, phát triển các chế phẩm sinh học, các hoạt chất mới,… để bổ sung vào trong sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả của phân bón khi sử dụng, đồng thời tăng cường sức đề kháng, hạn chế sâu bệnh hại cho cây trồng.
Qua nghiên cứu thực tế trên vườn cây ở Tây Nguyên, với sự hỗ trợ của các nhà khoa học, Phòng kỹ thuật của công ty phát hiện ra rằng vàng lá thối rễ đã làm cho cây trồng bị suy yếu, sụt giảm năng suất, thậm chí chết. Vàng lá thối rễ cây trồng do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ đạo nhất là do tuyến trùng tấn công tạo vết thương và bội nhiễm nấm thối rễ. Tuyến trùng ký sinh thực vật đang tấn công và làm hại cho nhiều loại cây trồng rất nghiêm trọng trên diện rộng. Do đó, việc kiểm soát tuyến trùng gây hại sớm nhằm cứu sống các vườn cây, ổn định và canh tác bền vững có hiệu quả đang rất cấp thiết và cần được đẩy mạnh.
- Nhận biết cây trồng và vùng đất có tuyến trùng
Biểu hiện ban đầu của cây như sau: cây héo úa, còi cọc, thiếu sức sống, ở đầu rễ tơ bị u sưng, nếu bị nặng thì rễ u sưng có kích thước lớn hoặc bị thối nặng. Vì tuyến trùng cản trở sự hút nước và chất dinh dưỡng của cây nên một số trường hợp ta sẽ thấy lá bị xoắn, vàng lá, rụng lá sớm, chết mầm. Điều quan trọng là các biểu hiện này không xảy ra đồng đều trên toàn vườn vì mật số tuyến trùng không phân bố đều.
Tuyến trùng thường không gây chết cây ngay nhưng làm cho cây trồng không thể phát triển bình thường, ngày càng bị suy kiệt, thiếu sức sống. Bên cạnh đó, chúng tạo ra các vết thương trên rễ cây “mở đường” cho nấm hại rễ xâm nhập dễ dàng và gây bệnh nhanh hơn. Ngoài ra, tuyến trùng còn có thể truyền một số loại virus gây bệnh nguy hiểm cho cây.
- Giải pháp phòng trừ tuyến trùng trên cà phê vối
Theo các tài liệu và Sổ tay cảnh quan cà phê bền vững (TS. Phạm Công Trí và công sự, 2017) các biện pháp quản lý tổng hợp giúp kiểm soát hiệu quả tuyến trùng trên cà phê như sau:
- Giải pháp hóa học: xử lý tình huống khẩn cấp, cắt nguy cơ phát dịch
Thuốc trị tuyến trùng (Tervigo Volum,…) + Thuốc trị nấm thối rễ (Ridomil, Aliette,..) hòa tưới vào bồn gốc (lưu ý mép tán lá) 2 lần, cách nhau 20 ngày khi đất đủ ẩm.
- Giải pháp sinh học: đối kháng, kiểm soát và đấu tranh sinh học
- Cắt cỏ chừa gốc cao 5-7 cm để giảm tuyến trùng tấn công rễ cà phê;
- Trồng hàng rào xanh dã quỳ, hàng muồng hoa vàng quanh bờ lô dọc nguồn nước
- Dùng men đối kháng với hữu cơ và chất kích rễ phun mặt bồn và gốc lúc ẩm mát
- Bón phân hữu cơ vi sinh, phun men vi sinh (đối kháng tuyến trùng) khi đất đủ ẩm
- Giải pháp canh tác: tăng đề kháng giảm lây lan
- Hạn chế nước mặt bằng mương, gờ đồng mức, ranh cỏ giảm tuyến trùng theo nước
- Làm bồn, làm đất tối thiểu, tái canh cải tiến cà phê vối, trồng cây có tính ức chế
- Bón phân cân đối hợp lý, tăng cường hữu cơ để cây khỏe, rễ khỏe, đề kháng tốt
- Giải pháp truyền thông, nâng cao nhận thức, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật
- Giải pháp hữu cơ vi sinh giúp cải thiện độ phì đất, củng cố bộ rễ và kiểm soát hiệu quả vàng lá thối rễ do tuyến trùng và nấm bệnh… gây ra đối với cây trồng