Phòng kỹ thuật công ty cổ phần Bình Điền – Lâm Đồng
Tây nguyên là vùng đất đỏ bazan màu mỡ, thuận tiện cho các loại cây trồng phát triển đặc biệt là cây công nghiệp. Trong số các cây trồng chủ lực và mang tính chiến lược ở vùng đất đỏ Tây Nguyên thì không thể không nhắc đến cây cà phê, chiếm 92% diện tích cả nước, đóng góp lớn cho xuất khẩu, dư địa phát triển còn rất nhiều.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 7/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 108,87 nghìn tấn, trị giá 307,86 triệu USD, giảm 22,6% về lượng và giảm 18,4% về giá so với tháng 6/2023; so với tháng 7/2022 giảm 7,6% về lượng nhưng tăng 14,1% về trị giá. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,12 triệu tấn, trị giá 2,7 tỷ USD, giảm 3,4% về lượng, nhưng tăng 3,7% về giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù, cây cà phê có giá trị kinh tế cao nhưng sản xuất cà phê hiện nay đang bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. Tác nhân liên quan chính đến bệnh vàng lá, thối rễ cà phê là tuyến trùng. Theo Lê Đức Khánh (2015), Pratylenchus coffeae và Meloidogyne incognita là 2 loài tuyến trùng gây hại quan trọng trên cà phê tại 4 tỉnh Tây Nguyên. Ngoài tuyến trùng, Fusarium oxysporum, Fusarium solani, Rhizoctonia solani, Rhizoctonia bataticola được xác định là loài nấm chính hại rễ cà phê, trong đó F. oxysporum hại nặng nhất trên cả rễ cọc và rễ tơ. Ngoài ra, bệnh khô cành khô quả trên cà phê do loài Colletotrichum cũng gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng của cà phê.
Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ bệnh trên cây cà phê ngày càng tăng dẫn tới nguy cơ kháng thuốc nên khó phòng trừ bệnh. Hơn nữa, sử dụng nhiều thuốc hóa học để phòng trừ bệnh cũng làm gây ô nhiễm môi truờng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người nông dân và giảm giá trị nông sản xuất khẩu. Đặc biệt, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong đất nhiễm vào các nguồn nước sinh hoạt của người nông dân, làm gia tăng các bệnh hiểm nghèo ở người, như: bệnh ung thư, vv. Chính vì vậy, để phát triển cà phê theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, biện pháp phòng trị bệnh bằng vi sinh là một trong những biện pháp tối ưu nhất.
Theo kết quả đánh giá khả năng đối kháng của một số vi sinh vật từ quỹ gen vi sinh vật của Viện Môi trường Nông nghiệp, Viện Bảo vệ Thực vật, Viện Di truyền Nông nghiệp xác định các chủng vi khuẩn Bacillus velezensis, xạ khuẩn Steptomyces enissocaesilis, nấm đối kháng nấm bệnh Chaetomium cochliodes tạo vòng đối kháng và kiểm soát > 70% nấm Fusarium oxysporum và > 50% nấm Rhizoctonia solani trong điều kiện phòng thí nghiệm. Trong điều kiện nhà lưới các chủng vi khuẩn, xạ khuẩn, nấm đối kháng riêng lẻ có tác dụng hạn chế mật độ nấm gây bệnh trong đất trồng cà phê và thể hiện hiệu lực kiểm soát nấm bệnh, tỷ lệ cà phê bị vàng lá, rụng lá tốt hơn khi được tổ hợp cùng nhau. Chủng nấm Arthrobotrys oligospora và Paecilomyces lilacinus có khả năng diệt 69,61 – 75,63% Meloidogyne incognita và 70,58 – 72,37% Pratylenchus coffeae trong điều kiện phòng thí nghiệm. Tổ hợp các chủng nấm A. oligospora và P. lilacinus kiểm soát được 83% mật độ tuyến trùng Pratylenchus coffeae trong đất trồng cà phê trong nhà lưới. Tổ hợp các vi sinh vật đối kháng nấm bệnh và diệt tuyến trùng có tác dụng kiểm soát mật độ tuyến trùng, nấm bệnh hại cà phê cao hơn tổ hợp vi sinh vật đối kháng hoặc tổ hợp nấm diệt tuyến trùng và có tác dụng tích cực đến sinh trưởng, phát triển cây cà phê trong điều kiện nhà lưới. Chủng vi sinh vật đối kháng Chaetomium cochliodes và Paecilomyces lilacinus thuộc nhóm vi sinh vật an toàn sinh học cấp độ 1.
Theo kết quả đề tài “Phân lập một số chủng Bacillus sp. đối kháng vơi nấm Colletotrichum sp. gây bệnh khô cành quả trên cây cà phê ở tỉnh Đắk Nông” của Nguyễn Bá Thọ, Nguyễn Thị Liên và Võ Đình Quang, cho thấy khả năng đối kháng cao của chủng vi khuẩn Bacillus subtilis với nấm Colletotrichum gây bệnh khô cành và khô quả quả cây cà phê trong điều kiện phòng thí nghiệm ở phương pháp đối kháng trực tiếp 67,41% và đối kháng khuếch tán qua lỗ thạch 24,67 mm sau 6 ngày nuôi cấy trên môi trường PDA.
Nắm bắt tình hình thực tiễn trên, Công ty cổ phần Bình Điền – Lâm Đồng (BLC) đã phối hợp với các nhà khoa học đầu ngành không nghừng nghiên cứu và phát triển cho ra nhiều dòng sản phẩm phân bón hữu cơ bón gốc kết hợp với các bộ đôi vi sinh vật khác nhau trong các sản phẩm như BLC 08 (Trichoderma sp. và Bacillus subtilis); BLC 09 (Trichoderma sp.; Bacillus subtilis và Streptomyces sp.); BLC Organic No.1 (Trichoderma sp.; Bacillus subtilis; Streptomyces sp. và tăng cường thêm nấm tím Paecilomyces sp.); BLC Organic No.2 (Trichoderma sp. và Chaetomium sp.); BLC Organic No.4 (Bacillus sp.). Đặc biệt, gần đây Công ty cổ phần Bình Điền – Lâm Đồng tiếp tục nghiên cứu dòng chế phẩm sinh học dùng hòa tan vào nước để phun trực tiếp lên cây và tưới gốc như BLC 10 (Trichoderma sp.; Bacillus subtilus và Streptomyces sp.); BLC 11 (Trichoderma sp.; Bacillus thuringiensis và tăng cường nấm Chaetomium sp.).
(Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp từ nhiều nguồn)
Hình ảnh một số sản phẩm nổi bật của công ty có bổ sung các chủng vi sinh hữu ích
Bộ phận truyền thông thông tin